Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải duy trì đà tăng trưởng ấn tượng
Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải duy trì đà tăng trưởng ấn tượng
6 tháng đầu năm, hoạt động khai thác tại các cảng khu vực Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) vẫn tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng khả quan, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng tăng 20% so với cùng kỳ. Có được những kết quả này là nhờ chính quyền địa phương và các nhà đầu tư đã có nhiều nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả khai thác.
Để thu hút nguồn hàng về CM-TV, các cơ quan chức năng cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong khu vực cảng. Trong ảnh: Tàu làm hàng tại cảng CMIT. |
NHỮNG CHUYỂN ĐỘNG MỚI
Sau 4 năm đi vào hoạt động nhưng luôn trong tình trạng “ngủ đông” hoặc chỉ tiếp nhận hàng rời để duy trì hoạt động, giữa tháng 6 vừa qua, Cảng container quốc tế SSIT đã chính thức mở cảng và đón chuyến tàu container đầu tiên là tàu MSC Rosaria, có sức chở 4.860 TEUs, dài 275m, trọng tải hơn 63.000 DWT thuộc sở hữu của hãng tàu Mediterranean Shipping Company S.A. (MSC), là công ty vận tải container lớn thứ hai trên thế giới. Sự kiện này đã đưa cảng SSIT vào đúng con đường kinh doanh tàu container như thiết kế ban đầu. Theo ông Trần Hoài Chân Tâm, Giám đốc Cảng SSIT, hiện Cảng SSIT đang tích cực hoàn thiện hạ tầng để tiếp thị với các hãng tàu. Dự kiến, tới đây, hàng tuần sẽ có hai tàu container của hãng MSC chạy tuyến nội Á Origami cập cảng SSIT, với sản lượng 300.000 TEUs/năm và SSIT sẽ bắt đầu thu hút được thị phần hàng hóa container thông qua cảng từ cuối năm 2018.
Cũng trong tháng 6, Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) đã đón tàu One Stork có trọng tải toàn phần 139,5 ngàn tấn, dài 364m, sức chở lên đến 14.028 TEUs của hãng tàu Ocean Network Express (ONE). Việc tàu One Stork cập Cảng TCIT đã đánh dấu mốc cho sự phát triển dịch vụ vận chuyển container bằng đường biển trực tiếp từ cảng TCIT nói riêng và Việt Nam nói chung đến các cảng của Hoa Kỳ mà không qua cảng trung chuyển.
Trước đó, vào tháng 5, Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT) cũng đã được Bộ GT-VT và Cục Hàng hải Việt Nam cho phép chính thức tiếp nhận tàu trọng tải 194.000DWT/sức chở 21.500 TEUs cập cảng hàng tuần. Theo kế hoạch, các hãng tàu sẽ đưa tàu loại này vào CMIT khoảng nửa đầu năm 2019.
Báo cáo của Sở GT-VT cũng cho thấy, 6 tháng đầu năm, số lượng tàu vào cụm cảng CM-TV tăng 40% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó có hơn 50% tàu trọng tải lớn (trên 80.000 tấn). Tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng tăng 20% so với cùng kỳ, trong đó hàng container đạt hơn 1,2 triệu TEUs, tăng 25% so với cùng kỳ. Kết quả này cho thấy những dấu hiệu lạc quan, tích cực, tạo đà để kinh tế cảng biển phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế.
Cảng container quốc tế SSIT đón chuyến tàu container đầu tiên. |
CẦN THÊM NHỮNG GIẢI PHÁP CÓ SỨC BẬT
5 năm gần đây, cụm cảng nước sâu CM-TV liên tục nằm trong danh sách các cảng có mức tăng trưởng tốt nhất thế giới, với mức tăng đạt 22,7%, cao thứ 6 trên thế giới và cao nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo đánh giá của Cục Hàng hải Việt Nam, đến nay, mục tiêu cụm cảng CM-TV trở thành cảng trung chuyển quốc tế vẫn chưa đạt được. Lực cản của mục tiêu trên là do công suất cảng còn thấp, hạ tầng kết nối liên cảng thiếu, chưa đồng bộ; hạ tầng đường thủy từ TP.Hồ Chí Minh đến CM-TV chưa hoàn thiện.
Ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Logistics Việt Nam, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Giao nhận Quốc tế Intelog cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến chủ tàu “ngại” làm hàng tại CM-TV là do tại đây chưa có điểm xây dựng để tập kết container rỗng. Dẫn tới chi phí tăng, tiến độ giao hàng bị chậm. Thứ hai là cùng một lô hàng xuất đi khu vực châu Á, nhưng thời gian chuyển hàng tại cảng Cát Lái chỉ mất khoảng 2-3 ngày, thì CM-TV mất từ 5-7 ngày. Chưa kể, quãng đường vận chuyển về CM-TV xa làm tăng chi phí… những lý do trên đã khiến các DN logistics không mặn mà với việc đưa hàng hóa về CM-TV.
Tại nhiều cuộc hội thảo bàn về giải pháp phát triển cảng biển gần đây, nhiều ý kiến chỉ ra rằng, để CM-TV đạt được mục tiêu trở thành cảng trung chuyển quốc tế thì cần một giải pháp đồng bộ từ trung ương đến địa phương gồm: không đầu tư mới cảng container tại CM-TV; hạn chế công suất các cảng tại TP.Hồ Chí Minh; đầu tư hoàn thiện hạ tầng cứng và hạ tầng mềm của cảng; xây dựng cảng có tính chuyên môn hóa cao (chuyển đổi công năng cụm cảng CM-TV chỉ đón container). Song song đó, để thu hút nguồn hàng về CM-TV, các cơ quan chức năng cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong khu vực cảng; điều chỉnh giảm khung giá áp dụng cho dịch vụ xếp dỡ hàng trung chuyển quốc tế để cạnh tranh hơn so với các cảng trong khu vực, giảm phí lệ phí hàng hải cho tàu trọng tải dưới 50.000 tấn ra, vào khu vực cảng CM-TV; các công trình hạ tầng giao thông kết nối cần bảo đảm tiến độ, sớm đưa vào khai thác.. Song song đó, Bộ GTVT cần sớm có giải pháp nạo vét luồng CM-TV đến độ sâu -15,5 m để thu hút các tàu kích cỡ siêu lớn và tăng tàu mẹ cập cảng khu vực cảng CM-TV.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN
(http://www.baobariavungtau.com.vn)