Vài ý nghĩa về quyền lực mềm
Nếu những năm đầu của thập niên 1990 là thời kỳ thịnh hành của lý thuyết chính trị “Sự xung đột của các nền văn minh” của Samuel P. Huntington thì thập niên 2000 có thể nói là thập niên của lý thuyết “Quyền lực mềm” của Joseph Nye. Huntington là một nhà chính trị học, giáo sư tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ. Năm 1993, ông cho đăng tải “Sự xung đột của các nền văn minh” (The Clash of Civilizations) trên tờ Foreign Affairs. Năm 1996, nhà xuất bản Simon and Schuster (New York) ấn hành tác phẩm này với tựa đề “Sự xung đột của các nền văn minh và sự sắp xếp lại trật tự thế giới” (The Clash of Civilizations and the Remaking of World Order). Huntington cho rằng chiến tranh giữa nước này với nước kia không phải là xung đột giữa các quốc gia mà chính là xung đột giữa các nền văn minh.
Bài này không bàn về lý thuyết của Huntington mà chỉ nhằm nghiên cứu về lý thuyết “Quyền lực mềm” của Joseph Nye và ảnh hưởng của nó trên thế giới.
I- TIỂU SỬ JOSEPH NYE
Joseph S. Nye Jr, sinh năm 1937, nguyên là Khoa trưởng Trường Hành chính John F. Kennedy Đại học Havard, đã từng giữ chức Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ về An ninh quốc tế dưới thời Clinton. Ông cũng đã là chủ tịch Hội đồng tình báo quốc gia, cố vấn quốc phòng của thượng nghị sỹ John Kerry trong chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2004.
Giáo sư Joseph Nye còn là chuyên viên về quốc phòng, ngoại giao, chính sách đối ngoại, Châu Á, Châu Âu, chủ nghĩa khủng bố, vũ khí hạt nhân và Liên Hiệp Quốc. Ông có bằng cử nhân ưu hạng của đại học Princeton, Mỹ và bằng PhD về khoa học chính trị Đại học Harvard. Những tác phẩm nổi tiếng của ông gồm có: Quyền lực mềm: Các phương tiện để thành công trong nền chính trị thế giới (Soft Power: The Means to Success in World Politics), Tìm hiểu xung đột quốc tế (Understanding International Conflict), Trò chơi quyền lực: Cuốn tiểu thuyết của Washington (The Power Game: A Washington Novel) v.v…
Ông được coi như một trong những học giả có ảnh hưởng lớn nhất trong hơn 20 năm qua trên thế giới và trên nền ngoại giao Hoa Kỳ.
Nye và vợ là bà Molly Harding Nye có ba người con đã trưởng thành.
II- ĐẠI CƯƠNG THUYẾT ‘’QUYỀN LỰC MỀM’’
Quyền lực mềm (hay còn gọi là sức mạnh mềm) là một khái niệm trong ngành chính trị học và quan hệ quốc tế. Thật ra nó được đề xướng lần đầu tiên năm 1973 trong cuốn “Quyền lực và thịnh vượng” của Klaus Knorr. Sau đó nó mới được nghiên cứu, định nghĩa rõ ràng và quảng bá cũng như mở rộng bởi giáo sư Joseph Nye. Theo Joseph Nye,quyền lực nói chung là khả năng tác động tới người khác để đạt được điều mình muốn. Việc đó có thể thực hiện qua ba cách: 1) ép buộc, đe dọa 2) dụ dỗ, mua chuộc bằng vật chất theo phương pháp ‘cây gậy và củ cà rốt’ và 3) hấp dẫn, thu hút người khác. Hai cách đầu tiên là quyền lực cứng. Yếu tố cuối cùng chính là ‘quyền lực mềm’ (soft power), tức là đạt được điều bạn muốn thông qua việc hấp dẫn, thu hút, thay vì ép buộc và dụ dỗ người khác. Ý niệm hấp dẫn như là một hình thức quyền lực không do Nyke hay Lukes đặt ra mà đã có từ các triết gia Trung Hoa như Lão Tử ở thế kỷ thứ 7 trước công nguyên. Ngày nay nhóm chữ “quyền lực mềm” đã được các nhà phân tích lẫn các chánh khách sử dụng rộng rãi trong bang giao quốc tế. Chẳng hạn năm 2007, chủ tịch Trung Cộng trong đại hội đảng lần thứ 17 đã tuyên bố rằng Trung Quốc cần tăng cường quyền lực mềm và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đề cập đến nhu cầu phải nhấn mạnh hơn nữa ý niệm quyền lực mềm bằng cách gia tăng chi tiêu vô cùng to lớn cho an ninh quốc gia, ngoại giao, truyền thông chiến lược, ngoại viện, tái thiết kinh tế và phát triển. Năm 2010, Annette Lu, nguyên phó tổng thống Đài Loan khi viếng Nam Hàn cũng cổ vũ cho việc sử dụng quyền lực mềm như là khuôn mẫu để giải quyết các xung đột quốc tế.
Quyền lực mềm đến từ ba nguồn: văn hoá có sức hấp dẫn người khác; các giá trị chính trị và đạo đức có sức hấp dẫn người khác; và các chính sách có sức hấp dẫn người khác. Ở tầm vĩ mô (macro), quyền lực mềm của một đất nước được tạo nên dựa trên 3 yếu tố: văn hóa quốc gia, giá trị quốc gia và chính sách của quốc gia đó. Sự thành công về kinh tế có thể tạo ra sức hấp dẫn, thậm chí quân đội và các nhà độc tài cũng có thể tạo ra quyền lực mềm. Hitler và Stalin đã gieo vào đầu óc dân tộc mình những ảo tưởng dân tộc siêu việt, vô địch để lôi cuốn họ theo tham vọng bá chủ thế giới của mình. Hình ảnh Napoléon như là một Đại tướng vĩ đại và một anh hùng quân đội đã lôi cuốn bao nhiêu nhà quí tộc ngoại quốc đi theo ông ta. Quân đội Hoa Kỳ khi làm công việc cứu trợ nhân đạo cho nạn nhân sóng thần ở Ấn Độ dương và động đất vùng Nam-Á năm 2005 đã giúp vớt vát lại hình ảnh hấp dẫn của nước Mỹ. Liên Xô những năm sau Thế Chiến II đã sử dụng khá nhiều quyền lực mềm nhưng rồi họ đã phá hỏng chúng khi sử dụng quyền lực cứng chống lại Hungary và Tiệp, chẳng khác chi trường hợp Mỹ ở Trung Đông. Trong kinh tế, quyền lực mềm cũng áp dụng cho các công ty kinh doanh. Nó cũng ứng dụng cho cả cá nhân người lãnh đạo, lãnh tụ. Quyền lực mềm có thể được dùng cho mục đích tốt hay xấu. Tuy nhiên, để thực hiện được “quyền lực mềm”, bên cạnh nó vẫn phải có “quyền lực cứng”. Hầu hết các quốc gia và dân tộc đều sử dụng kết hợp “quyền lực cứng” và “quyền lực mềm”. “Quyền lực cứng” là khả năng để phát huy “quyền lực mềm”, giúp “quyền lực mềm” hấp dẫn. Nếu nhìn vào chiến lược của một quốc gia ta sẽ dễ dàng nhìn thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa “quyền lực cứng” và “quyền lực mềm”. Nước Mỹ và Trung Quốc là các điển hình trong việc vận dụng khéo léo hai thuật ngữ trên vào chính trường của họ. Ngày nay, quyền lực mềm được họ chú trọng nhiều hơn. Sự kết hợp khéo léo giữa quyền lực cứng và quyền lực mềm được gọi là quyền lực thông minh (smart power).
III- ẢNH HƯỞNG CỦA THUYẾT ‘’QUYỀN LỰC MỀM’’ TRÊN THẾ GIỚI
A- Hoa Kỳ và Quyền lực mềm
1) Tại sao quyền lực mềm ngày nay quan trọng với nước Mỹ?
Hợp chủng quốc Hoa Kỳ từ ngày lập quốc cho đến cách nay khoảng nửa thế kỷ, cho dù lúc ấy chưa có ý niệm quyền lực mềm như Joseph Nye quan niệm, đã thể hiện quyền lực mềm qua những giá trị nhân bản mà họ đã thực hiện qua dòng lịch sử. Từ chủ trương giải phóng người nô lệ da đen của Abraham Lincoln khiến gây nội chiến Nam-Bắc, đến quyền bình đẳng của phụ nữ, đến tổ chức chính quyền tự do dân chủ, đến một nền kinh tế thịnh vượng nhất thế giới, đến một nền văn minh tột đỉnh, một nền văn hoá nhân bản và nhất là lòng quảng đại từ tâm đối với người di dân (qua hình ảnh bức tượng Nữ thần Tư Do) – tất cả- đã khiến cho nước Mỹ là nơi mà mọi người mơ ước đến sinh sống, viếng thăm, kết bạn đồng minh, noi gương…Có người còn mơ giấc mơ Mỹ (American dream) vì nơi đó mọi người đều được bình đẳng về cơ hội thăng tiến (equality of opportunity). Nước Mỹ không cần đến vũ lực mà hoàn toàn chỉ bằng quyên lực mềm để thuyết phục, hấp dẫn và thu hút mọi con người, mọi quốc gia.
Thế rồi xuất hiện chủ nghiã Phát Xít với trục Đức-Ý- Nhật và Nhật, không tuyên chiến, bất ngờ tấn công Trân Châu Cảng khiến Mỹ phải nhảy vào vòng chiến và phải dùng đến bom nguyên tử để chấm dứt chiến tranh. Sau khi phe Trục Nhật, Đức, Ý đầu hàng người ta lại thấy cách đối xử quân tử và cao thượng của Mỹ. Nhật vẫn còn vua, vẫn là một nước độc lập và trở thành đồng minh thân thiết của Mỹ và được Mỹ nâng lên để trở thành nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới lúc ấy. Âu Châu tan nát vì bom đạn đã được Mỹ, qua chương trình viện trợ Marshall, đã phục hồi và độc lập, tự do, thịnh vượng…
Đến năm 1950 Mỹ lại phải đương đầu với chiến tranh Triều Tiên, với khối Cộng là Trung Cộng và Nga Sô sau lưng. Sau cùng đến chiến tranh Việt Nam, cũng với Nga-Tàu sau lưng, một cuộc chiến dai dẳng và tốn kém vô cùng cho nước Mỹ.
Từ ngày đó, thông qua cách điều khiển cuộc chiến, cách giải quyết chiến tranh, cách đối xử với Đồng Minh, với kẻ thù…người ta nhìn thấy một nước Mỹ quá tồi tệ. Họ không cần liêm sỉ, không thiết gì đến quyền lực mềm nữa. Nước Mỹ hiện hình là một kẻ hèn nhát, phàn bội, một tên lái buôn súng đạn, chuyên gây rối, rồi cắt viện trợ và bỏ chạy (cut and run), … khắp nơi. Họ kiêu ngạo, chỉ thích nói chuyện bằng bom đạn. Họ can thiệp vào nội bộ Đồng Minh, tổ chức đảo chánh, thậm chí ám sát cả Tổng thống nước bạn (TT Ngô Đình Diệm chẳng hạn) và cả TT nước mình nữa (John F. Kennedy). Người dân Mỹ, nhất là giới báo chí, nghệ thuật, phản chiến được tự do quá trớn, hư hỏng, sa đoạ. Họ xuyên tạc sự thật, chiến thắng của Đồng Minh (miền Nam, trận Mậu Thân) bị biến thành chiến bại, họ đâm sau lưng Đồng Minh lẫn chiến sĩ của họ để “ăn nằm với kẻ thù’’ (Sleep with the enemy, James Webb), để ngồi chụp hình trên súng phòng không của kẻ thù bắn lên máy bay Mỹ (Jane Fonda). Không còn hình ảnh nào nhục nhã hơn.
Nước Mỹ trong thời kỳ chính quyền Georges W. Bush cũng là một thảm họa vì do phe diều hâu đứng đầu là nữ ngoại trưởng da đen Condoliza Rice và bộ trưởng quốc phòng Ronald Rumsfeld điều khiển . Chính sách ngoại giao dưới chính quyền Bush chỉ được coi như là sự lãng phí thời gian. Bush hành động như một tên cowboy tay lăm le khẩu súng lục và nước Mỹ dưới quyền ông ta hành động không cần ý kiến ai, kể cả Liên Hiệp Quốc. GS. Anne-Marie Slaughter, hiệu trưởng Trường Quan hệ quốc tế và công chúng Woodrow Wilson, ĐH Princeton, Mỹ đã vạch rõ: “Về cơ bản, chính quyền Bush đã nói với thế giới rằng: ‘’Nước Mỹ không quan tâm tới thế giới nghĩ gì về chúng tôi. Chúng tôi làm cái chúng tôi muốn”’’. Mỹ đã xua quân chiếm Afghanistan, Irak, mở trại tù binh Guatanamo, tra tấn tù binh, CIA Mỹ xâm nhập các nước như vào chỗ không người. Chính sách ngoại giao của Mỹ đã tỏ ra thất bại, nhất là đối với khối Hồi Giáo. Bush đã cột thêm nhiều người Ả Rập vào với xe bom. Chiến tranh ở Afghanistan, ở Irak không thấy lối ra. Đồng Minh chán ghét giọng kẻ cả của Mỹ. Trong khi đó Trung Quốc đã khéo lợi dụng sự sa lầy của Mỹ ở cả Afghanistan và Irak để phối hợp hai quyền lực cứng và mềm trong việc tranh thủ trái tim của các nước Phi Châu và lăm le làm bá chủ biển Đông rồi sau này làm “đệ nhất thiên hạ”, vượt cả Mỹ, nếu không muốn nói là để tiêu diệt nước Mỹ. Joshua Kurlantzick, một chuyên gia về Trung Quốc, trong cuốn sách mới nhất của ông có tựa đề “Charm Offensive” nhận định: “Với chiến lược mềm dẻo này, Trung Quốc sẽ thay đổi thế giới”, Về phương diện Kinh tế, nước Mỹ rơi vào thời kỳ suy thoái (recession) nặng nề nhất từ Thế chiến 2, kéo theo kinh tế thế giới trên đà sụp đổ. Đồng đô la Mỹ mất giá và có nước đề nghị thay đồng Mỹ Kim bằng loại tiền khác làm thanh khoản quốc tế.
Trước tình thế cấp bách này Hoa Kỳ phải gấp rút duyệt xét lại toàn bộ chánh sách kinh tế, ngoại giao, đường lối chính trị của mình để khôi phục lại hình ảnh tốt đẹp của họ đã có từ hơn nửa thế kỷ trước. Cách tốt nhất là quay lại với“Quyền lực mềm’’. Mỹ phải “cất khẩu súng lục vào túi” và Bush phải bước xuống.
2) Mỹ thực thi quyền lực mềm như thế nào?
Ngay trong bài diễn văn nhậm chức vào ngày 20/1/2009, Tổng thống Barack Obama đã nêu rõ chính sách của chính quyền mới. Đó là: nước Mỹ sẽ chú trọng hơn đến chủ nghĩa đa phương, tính nhân văn và sự kiềm chế. Ông nhấn mạnh: “đối với thế giới Hồi giáo, chúng tôi tìm kiếm một cách thức mới hướng về phía trước, dựa trên lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau” và ông hứa hẹn “nước Mỹ sẽ tìm kiếm sự hợp tác và hiểu biết lớn hơn giữa các dân tộc”.
Để thực hiện cụ thể quyền lực mềm này, ông ra lệnh giải tán nhà tù Guatanamo chuyên nhốt những người Hồi giáo có dính líu hay bị nghi ngờ khủng bố, cấm tra tấn tù nhân, ấn định thời hạn rút quân Mỹ ra khỏi Irak, Afghanistan, đạt thoả hiệp với Liên Xô về tài giảm vũ khí, dẹp bỏ chương trình lá chắn chống tên lửa ở Đông Âu, mềm dẻo, kiên nhẫn thương thuyết với Iran và Bắc Hàn về chương trình chế tạo vũ khí nguyên tử của hai nước này v.v…
Ngoại trưởng Hillary Clinton và Tổng thống Obama
Thực ra chính sách của Mỹ không chỉ đơn thuần là ‘’quyền lực mềm” mà là sự kết hợp giữa quyền lực mềm” và “quyền lực cứng”, tức là ‘’quyền lực thông minh’’. Bằng chứng là Ngoại trưởng Hillary Clinton đã cam kết sẽ thực hiện một chính sách đối ngoại mới dựa trên sự kết hợp “một cách thông minh” giữa sức mạnh ngoại giao và quân sự của nước Mỹ. Bà nhấn mạnh: “Chúng ta phải tận dụng cái gọi là “quyền lực thông minh”, kết hợp một loạt công cụ mà chúng ta có”, và bà chủ trương phải kết hợp các chiến lược ngoại giao, kinh tế, quân sự, pháp lý, chính trị và văn hóa với nhau. Ttrong các chuyến viếng thăm của bà, từ chuyến thăm đầu tiên tới châu Á vào tháng Hai-2010 tới chuyến công du châu Phi vào tháng Tám năm trước, bà luôn tìm dịp để sử dụng “quyền lực mềm”. Phụ nữ và nhân quyền là hai đề tài thực sự quan trọng đối với bà Clinton. Trong khi đó Obama, cũng áp dụng một chính sách sử dụng ‘’quyền lực cứng’’ và ‘’quyền lực mềm’’ song song, tuỳ lúc: một mặt tuyên bố rút quân ở Irak, mặt khác ông vẫn tăng quân thêm 30000 người ở Afghanistan vào lúc ấy (năm 2010) và Mỹ với NATO đang mở cuộc hành quân lớn để tiêu diệt Taliban.
Sự thay đổi chính sách này của Mỹ có hiệu quả hay không chúng ta phải chờ một thời gian nữa mới thấy rõ vì lúc ấy mới chỉ là bước đầu. Tuy nhiên, trong bước đầu ấy ta đã thấy một ít dấu hiệu khả quan cho Mỹ: một cuộc thăm dò hồi tháng 04-2010 của thế giới vụ đài BBC, cho kết quả là “trên thế giới, quan điểm về nước Mỹ đã được cải thiện mạnh mẽ trong năm qua. Lần đầu tiên kể từ khi các cuộc thăm dò dư luận hàng năm được thực hiện hồi 2005 tới nay, ảnh hưởng của nước Mỹ trên thế giới năm nay mới được kết quả tích cực nhiều hơn là tiêu cực. “. Giám đốc Pipa, Steven Kull nhận xét: “Sau một năm, rõ ràng “hiệu ứng Obama” là điều có thật…Tuy nhiên, ảnh hưởng của hiệu ứng này lên quan điểm của người dân trên toàn cầu chỉ mới ở mức làm nhẹ bớt các khía cạnh tiêu cực về hình ảnh nước Mỹ, chứ chưa đạt các khía cạnh tích cực.”
B- Trung Quốc và Quyền lực mềm
1) Tại sao quyền lực mềm ngày nay quan trọng với Trung Quốc?
Có 3 nguyên nhân chính:
1) Từ khi Đặng Tiểu Bình tuyên bố “mèo trắng hay mèo đen gì cũng được miễn nó bắt được chuột” thì dân Tàu kể cả đảng viên, nhà nước đổ xô nhau làm ăn, phát đạt giàu có lên. Chủ nghiã CS chỉ còn được coi là cái bình phong cho đảng cầm quyền mà thôi. Có tiền, và để bành trướng, giàu có thêm, họ nghĩ ngay đến bá quyền. Muốn được vậy phải tăng cường quốc phòng, mua vũ khí, đóng tàu, lập hạm đội, tàu ngầm, phản lực, hoả tiễn, vệ tinh…Ngân sách quốc phòng tăng lên vùn vụt làm cho cường quốc số một là Hoa Kỳ phải giật mình lo ngại. Để trấn an thế giới, nhất là các nước láng giềng, Trung Quốc cần thiết lập ‘’quyền lực mềm’’ để tạo cho vị thế cường quốc đang lớn mạnh của mình một thế đứng vững chãi, lâu dài, một bộ mặt hấp dẫn.
2) Muốn phát triển kinh tế, Trung Quốc cần nhiều nhiên liệu, dầu khí, khoáng sản..Trung Quốc nhập đến 25% dầu khí của Phi Châu. Nam Mỹ cũng cung cấp một lượng dầu khí lớn cho Trung Quốc. Vì thế ta không lạ gì khi Trung Quốc ủng hộ hết mình một nước Venezeula và nhà độc tài Hugo Chávez. Thương mại giữa Trung Quốc và Phi Châu chỉ trong 5 năm (chỉ đến năm 2010) đã tăng gần 4 lần từ 10.6 tỷ đô la năm 2000, lên đến 39.7 tỷ đô la năm 2005. TQ đã vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của nhiều nước. Thiết lập quan hệ chặt chẽ với các nước Phi Châu và Mỹ Châu La Tinh thông qua “quyền lực mềm” sẽ giúp duy trì nguồn cung cấp tài nguyên lâu dài cho nền kinh tế Trung Quốc.
3) Trung Quốc muốn che mắt Hoa Kỳ rằng họ tăng cường quốc phòng chỉ để tự vệ, rằng họ là một dân tộc yêu chuộng hoà bình, không đem quân đi chinh phục, chiếm đoạt đất nước nào cả, chỉ muốn thu phục nhân tâm các nước khác bằng ‘’quyền lực mềm’’, bằng văn hoá, giáo dục, thể thao, ẩm thực…mà thôi.
2) Trung Quốc thực thi quyền lực mềm như thế nào?
Trong khi Hoa Kỳ bận rộn với cuộc chiến chống khủng bố, chiến tranh Afghanistan và Iraq, lo đối phó với tình hình Libya, Syria và Iran thì Trung Quốc thừa nước đục thả câu, tích cực triển khai quyền lực mềm ở nhiều nơi trên thế giới.
Trung Quốc làm việc này dưới nhiều hình thức, từ hỗ trợ phát triển đến mậu dịch, tuyên truyền văn hoá, giáo dục và dạy ngôn ngữ Trung Hoa…
Quyền lực mềm của Trung Quốc phần lớn nhắm vào 3 khu vực chính. Đó là các nước trong khối ASEAN, Phi Châu và Mỹ Châu La tinh. Thực ra tại các nơi này Trung Quốc cũng áp dụng chiến thuật kết hợp quyền lực cứng và mềm với nhau.
Với vùng Đông Á, với khối ASEAN, Trung Quốc cho vay ưu đãi 5 tỷ Mỹ Kim để thực hiện các dự án do Trung Quốc đầu tư tại các nước này, ủng hộ tiến trình hợp tác giữa các nước trong khối Đông Á…Tại Đông Timor họ cho xây dinh thự cho Tổng thống nước này, tại Campuchia họ xây toà nhà chính phủ và tại Lào họ xây vận động trường cho nước này tổ chức SEA games. Trung Quốc cố tạo cho mình một hình ảnh rộng lượng và yêu chuộng hoà bình tại vùng này, đồng thời cũng không ngần ngại xây đập ngăn chặn nguồn nước sông Mékong chảy qua các nước này cũng như đưa nhân công tràn vào nước họ theo với dòng đầu tư, xây đập thuỷ điện, khai thác tài nguyên. Tại Việt Nam, Lào, Campuchia, người Trung Quốc càng ngày càng đông đảo dưới dạng nhân công hay khách du lịch trá hình. Trung Quốc hiện là nhà đầu tư và đối tác thương mại hàng đầu tại Myanmar và Campuchia. Trung Quốc cũng đã tham gia vào các dự án lớn ở Philippines, trong đó có các dự án thoát nước và đường cao tốc lớn. Trung Quốc cũng đang gia tăng sự hiện diện tại Thái Lan và Indonesia.
Tại Phi Châu, Trung Quốc áp dụng chính sách o bế, mua chuộc, hối lộ các chức quyền cao cấp của các nước này. Lãnh đạo Trung Quốc được lãnh đạo các nước da đen trải thảm đỏ đón tiếp. Trung Quốc xoá nợ một tỷ Mỹ kim cho họ, giúp họ xây dựng đường xá, trường học, bệnh viện, sân vận động với trên 900 dự án đầu tư. Trung Quốc nhận đào tạo trên 100 ngàn sinh viên Phi Châu cũng như gởi hơn 900 bác sĩ sang giúp. TQ xây tòa nhà 20 tầng ở Addis Ababa ở Ethiopa cho bộ tham mưu của Liên Hiệp Châu Phi gọi tên là “Quà tặng của TQ cho Châu Phi”, xây bệnh viện ở Luanda, làm đường xá ở Zambia, cất vận động trường cho Sierra Leone, xưởng đường và trại mía ở Mali và dự án cung cấp nước tại Mauritania. Tháng 6-2012 Hồ Cẩm Đào còn liệt kê them 100 trường học, 30 bệnh viện, 30 trung tâm y tế và 20 trung tâm nkỹ thuật nông nghiệ…Nhưng…đồng thời Trung Quốc cũng không quên tận lực khai thác tài nguyên nhất là dầu lửa ở các nước này với nhân công rẻ mạt. Những nhà lãnh đạo Phi Châu nhận thức là giao dịch vớu TQ không phải là một chiều (viện trợ hay cho không) mà là buôn bán nhiều hơn là giúp đỡ. Chiến thuật của TQ là tìm các nguồn cung cấp nguyên liệu như than ở Nam Phi, quặng sắt ở Gabon, gỗ ở Equatorial Guinea, đồng ở Zambia….
Tại Nam Mỹ, trong vài năm qua, TQ đã kiếm chác được hơn 400 hiệp định thương mại và đầu tư và bỏ hơn 50 tỷ Mỹ Kim đầu tư vào các nước trong khu vực này.
Khắp mọi nơi trên thế giới, nơi đâu Trung Quốc cũng tích cực tuyên truyền văn hóa, restaurant Tàu, Dim Sum, vịt Bắc Kinh, xiếc, múa dân gian, phim chưởng, châm cứu và thảo dược. Cho dù học thuyết của Vạn thế sư biểu Khổng Tử và chủ nghiã Cộng Sản của đảng CS Trung Quốc đối chọi nhau như nước với lửa, Trung Quốc cũng cố xây dựng được 128 Viện Khổng giáo (46 ở Châu Á, 46 ở Châu Âu, 26 ở Bắc Mỹ, 6 ở Châu phi và 4 ở Châu Đại dương) thay vì Viện Mao Xếnh Xáng và còn có kế hoạch xây thêm hàng trăm Viện nữa để truyền bá văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc (kiểu như British Council của Anh hay các Trung tâm văn hoá Pháp, Đức, Hội Việt Mỹ ở Saigon trước 1975). Nhà nghiên cứu Anne Cheng (Trình Ngải Lam) trong cuốn sách ‘‘Khổng Tử mãi một lối về’’đã viết: ‘‘Đối với người phương Tây và người Trung Quốc, dù ở thế kỷ 17 tại châu Âu hay ở Trung Quốc hiện tại, Khổng Tử thường được mang ra sử dụng có mục đích, tùy theo tình hình mà ông bị tấn công hay được thờ phụng tôn sùng. Và hiện nay, người ta lại chú ý đến sách Luận Ngữ của ông nhưng đặc biệt khai thác những chi tiêt bảo thủ nhất.’’ Trong quá trình lịch sử Trung Quốc, Khổng Tử khi thì bị đem chôn hoặc tượng bị cất vào kho cho nhện giăng tơ, nhưng khi cần như ngày nay cần cho quyền lực mềm, thì nhà cầm quyền Trung Quốc lại vực ông dậy và đem tượng ông ra phủi bụi và dựng lại khắp nơi trong nước cũng như tại hải ngoại.
Chúng ta cũng không lạ gì khi Trung Quốc tận dụng quyền lực mềm qua việc tổ chức thật ‘’vĩ đại, hoành tráng” Thế Vận Hội mùa Hè 2008, cũng như cố gắng trở nên cường quốc thể thao trong mọi cuộc tranh đua quốc tế và nhất là duy trì quyền bá chủ trong bộ môn bóng bàn (nền ngoại giao bóng bàn). Trong thế vận hội 2012 London vừa qua, Trung Quốc đã đổ bao công phu tiền của hòng vượt Mỹ về số huy chương, mặc dầu không thành nhưng cũng đứng hạng nhì thế giới.
Sau cùng, theo tờ Wall Street Journal: Bắc Kinh đang triển khai dự án mở rộng mạng lưới thông tin tuyên truyền nhắm vào công luận nước ngoài, để tô điểm hình ảnh của mình trên trường quốc tế. Kế hoạch này trị giá 6,5 tỷ đô la, trong đó có việc thiết lập các đài truyền hình, nhắm đến một tỷ người trên thế giới sử dụng Anh ngữ. Bắc Kinh cũng đang hối hả tuyển mộ các nhà báo Trung Quốc và ngoại quốc để tung ra một tờ báo Anh ngữ trên phạm vi toàn quốc.
3) Trung Quốc tăng cường quyền lực mềm ở Việt Nam
Tại Việt Nam, Trung Quốc cũng kết hợp quyền lực cứng và mềm với nhau nhưng quyền lực cứng được áp dụng nhiều hơn.
Sau khi cưỡng chiếm được miền Nam Việt Nam, Cộng Sản Bắc Việt với phe Lê Duẩn đã nghiêng hẳn về Liên Xô và buộc cả dân tộc Việt Nam đưa Liên Xô lên đầu mà thờ. CSVN bắt đầu ghẻ lạnh với Trung Quốc. Người Tàu ở Việt Nam bị đánh tư sản, đuổi về nước (nạn kiều). Đến khi bị Trung Cộng giã cho hai bài học nặng nề và khi Liên Xô sụp đổ CSVN mới bàng hoàng tỉnh giấc rằng mình đã trót “ôm nhầm cái giò ghẻ” rồi, bèn quay lại ôm chân Trung Cộng để mong tồn tại, qua hội nghị Thành Đô. Trong cái nước cờ bí này cûa Việt Nam, Trung Quốc không cần nhiều đến quyền lực mềm đối với một đàn em hèn hạ như vậy. Tuy cũng có sử dụng ‘‘quyền lực mềm’’ như lập đài phát thanh “Tiếng nói Bắc Bộ’’, tuyên bố những khẩu hiệu đầy “tình đồng chí thân thương’’ 16 chữ vàng, lập viện Khổng Tử v.v…phần lớn quan hệ của Trung Quốc với CSVN dựa trên quyền lực cứng là chính.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài VOA, giáo sư Alexander Vuving thuộc Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á – Thái Bình Dương ở Hawaii nói: “Trong thuật trị nước và ngoại giao của Việt Nam và Trung Quốc thời cổ đại, ngoài việc dùng vũ lực còn có ân, uy, đức.” . …“Việt Nam và Trung Quốc cùng chia sẻ lý tưởng là xã hội chủ nghĩa. Lãnh đạo hai nước thường nhắc tới việc cùng đi lên chủ nghĩa xã hội. Đấy là sự ràng buộc cuả yếu tố đức, tạo nên quyền lực mềm của Trung Quốc đối với Việt Nam.”
…“Việt Nam nằm cạnh Trung Quốc và việc Trung Quốc ngày càng lớn mạnh với tiềm lực quân sự và cả tiềm lực kinh tế qua việc hàng hóa Trung Quốc tràn ngập Việt Nam như vậy là những yếu tố làm nên uy của Trung Quốc.” Trả lời một câu hỏi khác, ông nói:
“…Còn vấn đề Trung Quốc khai triển cái ân, tức chăm sóc, mua chuộc và nắm điểm yếu của đối tác để ràng buộc, thì Trung Quốc không dùng cái ân với cả nước Việt Nam mà với từng cá nhân và từng bộ phận một. Điều này đánh vào văn hóa Á Đông là coi trọng cá nhân. Trung Quốc có ưu thế lớn vì nước này có một số lượng tiền rất lớn, tập trung cho chính quyền trung ương sử dụng, cho nên rất dễ huy động tài chính cho những chuyện như vậy, rất dễ sử dụng để gia ân cho một số đối tác rồi ràng buộc họ.’’ Giáo sư Vuving còn nói Trung Quốc kể ơn (ân) với CSVN là họ đã có công lớn ủng hộ CSVN trong công cuộc chống Pháp và Mỹ trước kia và nay họ còn mời một số đối tác CSVN đi thăm chỗ nọ chỗ kia rồi cho quà cáp hoặc chữa bệnh, tức là dùng nhiều hình thức khác nhau để mua chuộc.
Như vậy ta thấy rõ ràng Việt Nam ngày nay đã bị Trung Quốc dùng quyền lực mềm lẫn cứng trói chặt để đến nỗi mất cả độc lập, đến nỗi “một số cơ quan truyền thông Việt Nam không có chính kiến rõ ràng về lợi ích, về lập trường và sử dụng những tuyên bố hay bản tin của Trung Quốc, đã vô hình chung lấy lập trường của Trung Quốc làm lập trường của mình.” (Alexander Vuving). Có thể nói Việt Nam đã bị Trung Quốc “điểm huyệt” bằng quyền lực thông minh vì cùng là những đứa con mồ côi hiếm hoi còn rơi rớt của Karl Marx- Lenin, CSVN còn mang nợ súng đạn trong các cuộc chiến tranh chống Pháp và xâm lăng miền Nam Việt Nam. Kinh tế VN đã bị TQ khống chế: hàng lậu, hàng giả, hàng độc TQ tràn đầy, cán cân mậu dịch nghiêng hẳn về TQ, quân sự yếu kém hơn TQ quá nhiều, lãnh đạo do TQ lập nên và được TQ o bế mua chuộc dưới mọi hình thức để “hủ hoá”. Như thế làm gì TQ không lấn chiếm được Nam Quan Bản Giốc, thuê 50 năm rừng ở các tỉnh miền Bắc, nhào vào đầu tư khai thác Bauxit, chiếm Hoàng Sa, Trường Sa, dân Tàu đổ xô vào VN không cần giấy thông hành hay chiếu khán chi cả..?
Một khi đã khống chế VN bằng quyền lực thông minh rồi thì TQ tha hồ phát triển quyền lực cứng. Chúng ngang nhiên dùng vũ lực chiếm đất, lấn biển, bắn giết ngư dân VN ngay trên lãnh hải của chúng ta. Một nhà nước, một dân tộc tự khinh mình thì đừng mong những người khác tôn trọng mình. Trước kia, Bắc cộng, theo đuôi chủ nghiã Cộng Sản hoang tưởng, đã tình nguyện đem dân tộc hiến dâng cho Liên Xô để rồi sau khi thắng trận đã giết hại, tù đày, áp bức dân tộc mình. Ngày nay CSVN lại đã tự nguyện dâng hiến đất đai, biển cả tổ tiên cho Trung Quốc, quay lại đàn áp dân mình tranh đấu cho tự do dân chủ và ngoại xâm. Như vậy CSVN làm sao còn có thể chống lại với quyền lực cứng của Hán tộc?.
4) Hiệu quả quyền lực mềm Trung Quốc trên thế giới
Quyền lực cứng (cây gậy và củ càrốt) đã tỏ ra hiệu quả, đắc lực cho Trung Quốc trên đường chinh phục các nước chậm tiến (nói văn hoa là các nước đang phát triển-developping countries), nhất là Việt Nam. Nhưng quyền lực mềm của họ thì thất bại thảm hại.
Trung Quốc phát triển kinh tế nhanh chóng với tốc độ chóng mặt. Họ đã lợi dụng được “toàn cầu hoá”, tự do mậu dịch, để trở thành xưởng sản xuất cho toàn thế giới. Hàng hoá “made in China” lan tràn khắp nơi từ con búp bê đồ chơi trẻ con, quần áo, đồ điện tử đến cả xe hơi, máy bay, tàu bè…Tuy nhiên, những thành tựu sau 30 năm phát triển của TQ đã bị ảnh hưởng xấu bởi nhiều vụ xì căng đan tai hại. Ta có thể liệt kê:
– Vụ sữa nhiễm melamine và những sản phẩm độc hại khác từ năm 2007
– Đồ chơi trẻ con chứa những chất kịch độc
– Thực phẩm Trung Quốc không an toàn, có thứ chứa ngoài melamine còn có chất độc gây ung thư
– Quần áo cũng có hoá chất độc hại
– Thuốc đánh răng, thậm chí dược phẩm cũng độc hại
– Giày dép mang vào là chân bị lở loét….
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết trong bài “Hoá chất và dược phẩm Trung Quốc: Nỗi lo chung” nói:”cứu cánh duy nhất của nhà cầm quyền TQ hiện nay là tạo ra của cải vật chất dưới bất cứ giá nào, và nạn nhân nếu có, dù là người dân trong nước hay người nước ngoài cũng không thể làm suy suyển não trạng trên”. Những vụ gây độc hại trên đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi Đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) kêu lên là “đáng kinh tởm”.
– Hàng nhái, hàng giả, hàng tồi, hàng “đểu” lan tràn khắp nơi
– Ăn cắp sở hữu trí tuệ đứng vào hàng nhất thế giới (thứ nhì là VN)
– Hackers Trung Quốc chui vào các máy điện toán của các bộ quốc phòng, ngoại giao và các đại công ty của các cường quốc khác như Mỹ, Pháp, Anh, Đức.. để đánh cắp thông tin quốc phòng, kỹ thuật..
– Thế vận hội năm 2008, trò hát nhép của bé gái Lin Miaoke thay cho bé Yang Peiyi lừa gạt cả thế giới đã gây bất bình khắp nơi. Các lực sĩ thể dục dụng cụ TQ ăn gian tuổi để đoạt huy chương vàng, hình ảnh các em bé thơ ngây mới dăm ba tuổi đã phải chịu chế độ tập tành nghiệt ngã hầu sau này làm rạng danh cho Đảng CS và đất nước TQ đã khiến người ta nghĩ TQ như là một đất nước của tàn bạo và vô nhân đạo. Hình ảnh các “cao thủ võ lâm” TQ chạy theo hộ vệ đoàn lực sĩ rước đuốc đấm đá người biểu tình như những tên du côn đã làm hoen ố không ít hình ảnh một TQ thượng võ.
– Vụ một em bé 5 tuổi bị xe cán, tài xế tiếp tục lái xe tỉnh bơ, hàng chục người và xe đi ngang qua chẳng ai thèm ngó ngàng tới cho thế giới thấy con người Trung Hoa dưới thời cộng sản này trở nên vô cảm và vô nhân đạo cùng cực.
– Vụ Thiên An Môn với hình ảnh TQ cho xe tăng cán bừa lên người biểu tình, bắn chết hàng ngàn người là một hình ảnh làm cho cố gắng của họ tạo dựng một quyền lực mềm bền vững thành ra công dã tràng.
– Vụ chính khách CS Bạc Hy Lai có vợ là Cốc Hi Lai ngoại tình và đầu độc một doanh gia người Anh cho thấy chuyện ngoài đời của người Tàu giống y như trong các phim chưởng của họ, nghiã là dùng thủ đoạn hèn hạ để đầu độc đối phương. Nói về độc dược có lẽ người Tàu là giỏi nhất thế giới. Cho cả vào thức ăn đến đồ chơi trẻ con, quần áo, giày dép…Quyền lực mềm nào gỡ nổi những hình ảnh này đây?
– Tại các nước Phi Châu, TQ đã bỏ khá nhiều tiền để đầu tư, bóc lột người dân điạ phương, làm ô uế môi trường sống…đã khiến người dân nổi loạn giết chủ nhân, nhân viên Trung Quốc
Trong vòng hai năm 2011-2012, mậu dịch giữa Trung Quốc và Châu Phi tăng 89% với 80,5 tỉ đôla trong 5 tháng đầu năm 2012. Trung Quốc xem Châu Phi như thị trường thuộc điạ bằng cách gia tăng đầu tư khai thác tài nguyên và xuất khẩu hàng giá rẻ tràn ngập khiến các nước này phải thức tỉnh và lên tiếng cảnh giác. Khẩu hiệu bịp bợm « hỗ tương phát triển đôi bên cùng có lợi » (kiểu 4 tốt và 16 chữ vàng cho VN) đã bị lật tẩy.
Theo thống kê của Nghị viện Âu Châu, năm 2005, trong số 45 nước châu Phi buôn bán với Trung Quốc, chỉ 14 nước có thặng dư thương mại, 31 nước nhập siêu và còn bị hàng giá rẻ của Trung Quốc tràn ngập, tiêu diệt công nghiệp địa phương. Tâm lý bất bình đối với Trung Quốc dâng cao. Tại Diễn đàn hợp tác Trung-Phi vào tháng 7-2012, Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma đã cảnh cáo Bắc Kinh là không thể để tình trạng «bòn rút tài nguyên châu Phi kéo dài ».
Trong khi đó, nền kinh tế có tỉ lệ tăng trưởng cao nhất thế giới này đã có dấu hiệu hụt hơi: chỉ còn 7,4% trong quý ba năm 2012, là mức thấp nhất trong 13 năm qua. Áp dụng “quyền lực mềm” (giả tạo) tại các nước Phi Châu không còn hiệu quả thì liệu Trung Quốc có dám dùng quyền lực cứng (quân sự) đi chiếm thuộc điạ như thực dân Âu Châu thế kỷ 19 hay không?. Giáo sư kinh tế Nguyễn Phúc Liên đại học Genève, Thụy Sĩ tiên đoán: « Chính phủ Trung Quốc đã thấy là về lâu dài thì kinh tế của họ đang xuống dốc do lệ thuộc vào hai lãnh vực : nguyên liệu, nhiên liệu và thị trường tiêu thụ. Trung Quốc chỉ dồn vào lãnh vực chế biến, mà lãnh vực này lại cũng cần nhiên liệu và nguyên liệu…Khi nền kinh tế bí lối thiếu nguyên vật liệu thì phải tính, mà tính ở đây là tính…làm liều, là hung hăng là hống hách…và cuối cùng sẽ bị cô lập ».
– Tại một số nước xưa nay nằm trong vòng kềm tỏa và bòn rút của TQ như Miến Điện, nhà cầm quyền và nhân dân họ đã sang mắt, tìm cách tách khỏi ảnh hưởng TQ và ngả về với thế giới tự do dân chủ. Tổng thống Miến Then Sein đã dần dần dân chủ hóa đất nước bằng cách mở đường cho bà Aung San Sukyi lãnh tụ đối lập ra làm dân biểu quốc hội, xuất ngoại và có thể tranh cử tổng thống sau; đồng thời soạn thảo một dự luật đầu tư mới cho ngoại quốc đấn đầu tư rộng rãi tại nước mình và trái lại hủy bỏ hoặc giảm một số dự án với Trung Cộng.. Hôm 29-11-12, hang ngàn dân làng Miến Điện đã biểu tình chống TQ khai thác mỏ đồng ở nước này, một sự kiện chưa từng có trên đất Miến từ vài chục năm nay.
– Yêu sách đường “lưỡi bò” trên biển Đông đã làm thế giới, nhất là các nước Á Châu thấy rõ tham vọng và dã tâm của TQ nên các nước Á Châu, chủ yếu là các nước ASEAN đã tăng ngân sách quốc phòng và trang bị vũ khí tối tân để đương đầu với TQ và dần dà ngả theo Mỹ để được bảo vệ. Mới đây, trong tháng 11-2012, TQ còn cho phát hành hộ chiếu in hình lưỡi bò cho công dân họ đi khắp thế giới. Việc làm này đã bộc lộ dã tâm của TQ khi vừa có lãnh đạo mới khiến các nước trên thế giới bất bình. Ngay tay sai VC của họ cũng phải từ chối đóng dấu lên loại hộ chiếu này. Ấn độ trả đũa bằng cách phát hành hộ chiếu bao gồm các vùng tranh chấp với TQ. Phi luật Tân, Đài Loan, Brunei cùng lên tiếng phản đối. Hoa Kỳ không công nhận giá trị của đường lưỡi bò trên loại hộ chiếu này. Trong các cuộc hội thảo về biển Đông các học giả đã phản bác lập luận của TQ, xem như là lố bịch. Quyền lực mềm của TQ tại các nước tranh chấp xem ra cũng chỉ vô ích thôi.
Tóm lại: Quyền lực mềm của TQ cố tạo nên đã dần dần tan rã. Người ta kêu gọi nhau tẩy chay hàng TQ. Người ta, kể cả nhân dân VN (đã từng hiểu rõ Hán tộc qua kinh nghiệm lịch sử), nhìn người Hoa như những kẻ gian manh, dối trá, xảo quyệt, tham lam và vô nhân đạo. TQ cố gỡ gạc cho quyền lực mềm bằng cách, sau vụ sữa có melamine, đem xử tử vài tên gian thương hay chức quyền tượng trưng rồi bỏ ra hàng tỷ đô la để thiết lập một hệ thống đài phát thanh, truyền thông khắp nơi. Không còn là quyền lực mềm nữa mà là “tuyên truyền láo khoét”. Giữa hai ý niệm này, lằn ranh khá mong manh.
Trong một cuộc thăm dò của BBC tại 14 nước tháng 04-2010, kết quả cho thấy cụ thể cái nhìn về Trung Quốc đang đi xuống, giảm từ mức trung bình 49% hồi 2005 xuống 34% trong 2009 và 2010. Và hiện tại cũng như t ương lai sẽ còn giảm nhiều nữa.
IV – KẾT LUẬN
Tóm lại, Quyền lực mềm chẳng phải là ý tưởng mới mẻ gì của GS Joseph Nye. Từ ngàn xưa Lão Tử cũng đã có những tư tưởng này. Joseph Nye đã có công hệ thống hóa và phân tích khoa học và đưa ra vào đúng lúc các cường quốc thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc cần có bộ mặt tử tế, hiền lành để dành ảnh hưởng trên toàn thế giới. Đến ngay cả CS Việt Nam cũng cần đến khí giới này. Để vận dụng quyền lực mềm cho có hiệu quả, các nước phải phối hợp nó với quyền lực cứng mà ta gọi là quyền lực thông minh.
Nhưng, nếu kẻ vận dụng các quyền lực này (dù là một quốc gia hay tổ chức, cá nhân) không thành tâm mà chỉ có dụng ý tuyên truyền láo khoét hay vì họ không có tính chính đáng (legitimacy) hoặc họ là một chính quyền bất xứng (tham nhũng, bạo tàn), một lãnh đạo thiếu tư cách, thì quyền lực gì cũng chẳng còn có ý nghiã . Đối với VN, quyền lực cứng hay mềm chỉ phát huy được hiệu quả khi chính quyền có được tính chính đáng, tức là bước đầu phải huỷ bỏ điều 4 hiến pháp, đảng CS phải giải thể vì quá nhiều tội lỗi với dân tộc và tổ chức tuyển cử tự do. CSVN phải trả lại dân tộc những quyền căn bản của con người. Có như vậy VN mới hấp dẫn, thu hút được lòng dân, mới gây được uy tín và cảm tình và sự ủng hộ của thế giới trong công cuộc gìn giữ đất nước chống ngoại xâm và phát triển đất nước. Đó là quyền lực mềm chân chính vậy.